|
Thiếu linh hoạt trong các biện pháp cưõng chế cũng khiến việc thu nợ thuế gặp khó khăn
|
Do công tác phối hợp cưỡng chế nợ thuế giữa ngành thuế và ngân hàng chưa thực sự “ăn ý”, nên việc cưỡng chế nợ thuế rất khó khăn.
Tổng cục Thuế cho biết, tính đến hết quý II/2010, thu nợ thuế phát sinh năm 2010 đạt 16.511 tỷ đồng, trong đó thu nợ bằng biện pháp cưỡng chế đạt 326 tỷ đồng.
Vẫn theo Tổng cục Thuế, mặc dù toàn ngành đã triển khai nhiều biện pháp thu hồi nợ quyết liệt, đặc biệt là nhiều địa phương như Đà Nẵng, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã sử dụng biện pháp mạnh nhất được Luật Quản lý thuế cho phép là cưỡng chế nợ thuế với hàng trăm lượt doanh nghiệp, song tổng số nợ thuế đến thời điểm ngày 30/6/2010 vẫn tăng 18% so với cuối năm 2009. Trong đó, nợ khó thu tăng 9%, nợ chờ xử lý tăng 3%, đặc biệt số nợ thuế có khả năng thu tăng tới 24%. Kết quả là, tính đến thời điểm này, chỉ có 9/63 địa phương có số nợ thuế giảm. Trong khi đó, có tới 7 địa phương có số nợ thuế tăng hơn 100% như An Giang, Điện Biên, Hà Giang, Lâm Đồng…, thậm chí số nợ thuế của Ninh Bình tăng tới 201% so với cuối năm 2009.
Việc để nợ thuế tiếp tục gia tăng, theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Trần Văn Phu, ngoài nguyên nhân khách quan như nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về tài chính; không ít doanh nghiệp đã giải thể, phá sản song nợ thuế vẫn bị treo; một số doanh nghiệp đang trong quá trình khiếu nại về cơ chế, chính sách, nên chưa chịu hoàn thành nghĩa vụ của mình… có nguyên nhân chủ quan là ở một số cục thuế, công tác quản lý nợ chưa được quan tâm đúng mức, nên thiếu kiên quyết chỉ đạo áp dụng các biện pháp thu hồi nợ đọng kịp thời.
Bên cạnh đó, theo ông Phu, việc nợ đọng thuế gia tăng còn có nguyên nhân là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nợ chưa được bố trí đầy đủ, kịp thời. Hiện tại, toàn ngành mới chỉ có khoảng 2.600 cán bộ (chiếm khoảng 6% tổng số biên chế của ngành thuế) làm công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, nhưng phải quản lý số nợ tương đương 8,8% tổng số thu nội địa (không kể dầu thô).
Đà Nẵng là một trong số không nhiều địa phương thực hiện quản lý nợ thuế được đánh giá là khá tốt, nhưng vẫn gặp không ít trở ngại.
Theo số liệu tổng hợp của Cục Thuế Đà Nẵng, trong vòng 6 tháng đầu năm, địa phương này đã thông báo phạt chậm nộp trên 7.500 lượt đối tượng; mời 720 lượt doanh nghiệp có nợ thuế lớn lên cơ quan thuế để giải thích, động viên việc chấp hành nghĩa vụ thuế; áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với 56 lượt doanh nghiệp để thu về cho ngân sách 65 tỷ đồng… Ngoài việc tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng nợ thuế tự giác thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, một trong những biện pháp mà Đà Nẵng sẵn sàng thực hiện đối với những đối tượng cố tình trây lỳ là công bố công khai những đối tượng này lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mặc dù vậy, theo ông Trần Văn Miên, Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng, cũng như nhiều địa phương khác, Đà Nẵng vẫn gặp khá nhiều vướng mắc trong việc thu hồi nợ thuế và gây khó khăn cho doanh nghiệp bất đắc dĩ phải… mang nợ với Nhà nước.
Cụ thể, việc gia hạn nộp thuế chỉ được áp dụng trong một số trường hợp gặp khó khăn (thiên tai, dịch họa, dịch chuyển nơi sản xuất hay do Nhà nước thay đổi chính sách) mà không áp dụng đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan song lại diễn ra phổ biến như ngân sách chậm thanh toán, chu kỳ sản xuất dài, khả năng thu hồi vốn chậm… dẫn đến nợ thuế. Điều này, theo ông Miên, một mặt, sẽ làm nợ thuế gia tăng; mặt khác, đẩy doanh nghiệp vào chỗ khó khăn hơn trong bối cảnh họ đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
Vẫn theo ông Miên, hiện công tác phối hợp cưỡng chế nợ thuế giữa ngành thuế và ngân hàng, đặc biệt là việc cung cấp thông tin để ngành thuế áp dụng các giải pháp cưỡng chế chưa thực sự “ăn ý”, nên việc cưỡng chế rất khó khăn. Ngoài ra, các biện pháp cưỡng chế không được áp dụng linh hoạt, nên việc thu nợ gặp không ít khó khăn.
Theo Hàn Tín/baodautu.vn |